Mục lục
Dùng thuốc trị vặn mình cho trẻ sơ sinh là điều mà nhiều người nghĩ đến khi thấy bé thường xuyên có biểu hiện rướn người, gồng mình hoặc ọ ẹ khó ngủ.
Vậy có loại thuốc nào để chống vặn mình cho bé không và nếu có thì loại nào là hiệu quả nhất.
1. Có thuốc chống vặn mình cho trẻ sơ sinh không?
Hiện nay, không có loại thuốc nào được sản xuất để trị vặn mình cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bố mẹ cũng đừng lo lắng vì vặn mình ở các bé mới chào đời chỉ là một hiện tượng sinh lý hết sức bình thường.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ vặn mình xuất phát từ việc con chưa kịp thích nghi với môi trường sống ngoài tử cung. Các yếu tố tác động như: Phòng quá sáng và ồn, tã bỉm ướt, đói bụng,… cũng là lý do khiến trẻ gặp phải vấn đề này.
Hiện tượng vặn mình ở các bé sơ sinh đa phần đều không nguy hiểm. Để cải thiện vấn đề này, bố mẹ chỉ cần thay đổi một số thói quen chưa đúng trong quá trình chăm sóc con.

2. Cách chăm sóc khi trẻ sơ sinh vặn mình
2.1. Tạo môi trường ngủ thoải mái cho trẻ
Muốn trẻ bớt vặn mình và ọ ẹ, bố mẹ hãy để con ngủ ở một môi trường thoáng mát, sạch sẽ và đảm bảo đầy đủ các tiêu chí như:
- Nhiệt độ trong căn phòng không được quá nóng hoặc quá lạnh.
- Phòng ngủ được yên tĩnh.
- Ánh sáng vừa phải.
2.2. Thường xuyên cho trẻ tắm nắng
Tắm nắng là phương pháp hiệu quả để bổ sung lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Nhờ đó, trẻ sẽ bớt gặp phải tình trạng vặn mình và rướn người hơn.
Mỗi ngày, bố mẹ chỉ cần cho trẻ tắm nắng khoảng 15 phút. Thời gian lý tưởng nhất để con tắm nắng là trước 8h30 phút sáng.
Bố mẹ cần lưu ý, trẻ sơ sinh là đối tượng rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Do vậy, khi cho trẻ tắm nắng không được để ánh nắng trực tiếp của mặt trời chiếu thẳng vào đầu và mắt của trẻ.

2.3. Cho trẻ bú đủ và bú đúng tư thế
Khi cho trẻ ăn, bố mẹ hãy bế trẻ lên sao cho đầu của con cao hơn so phần bụng để sữa dễ dàng chảy xuống dạ dày.
Trong lúc trẻ đang ăn, bố mẹ cũng cần kiểm soát tốc độ bú của con. Bố mẹ nhớ là chỉ để con ăn một lượng sữa vừa đủ để bụng dạ của con không bị khó chịu.
Theo tổ chức y tế thế giới WHO, trong 6 tháng đầu đời, trẻ nên được bú sữa mẹ hoàn toàn. Điều này có tác dụng giúp cho sức đề kháng của con được tăng cường, khả năng chống lại các loại bệnh tật cũng sẽ tốt hơn.
2.4. Giữ tã và bỉm của trẻ luôn khô ráo
Nhiều trường hợp, trẻ bị vặn mình là dấu hiệu cho thấy tã bỉm của con đang bị đầy. Vì vậy, từ 1 – 3 tiếng đồ hồ bố mẹ phải để ý và kiểm tra tã bỉm của con một lần.
2.5. Lựa chọn quần áo thoải mái cho trẻ
Muốn trẻ bớt vặn mình và khó chịu, quần áo của trẻ sơ sinh phải đảm bảo các yếu tố như: Rộng rãi, thoải mái, mềm mại và có khả năng thấm hút mồ hôi tốt.

2.6. Luôn lắng nghe cảm xúc của trẻ
Trẻ sơ sinh chưa biết nói nên thường thể hiện các nhu cầu như: Muốn ăn, muốn đi vệ sinh, ngứa ngáy tay chân,… thông qua việc vặn mình, đỏ mặt.
Chính vì thế, bố mẹ hãy nhớ luôn lắng nghe các cảm xúc vui, buồn, khó chịu mà trẻ thể hiện ra ngoài để kịp thời giúp con giải quyết vấn đề đang gặp phải.
2.7. Massage cho trẻ
Các chuyên gia khuyên rằng, trước khi đi ngủ bố mẹ nên dành từ 5 – 7 phút để massage các bộ phận như: Ngực, bụng và bàn chân của trẻ.
Khi được massage, tuần hoàn máu trong cơ thể của trẻ sẽ hoạt động tốt hơn. Nhờ đó, hiện tượng vặn mình sẽ được cải thiện, trẻ cũng có được một giấc ngủ thư thái và sâu giấc hơn.
3. Vặn mình ở trẻ sơ sinh khi nào là bất thường?
Biểu hiện:
Hiện tượng vặn mình ở trẻ sơ sinh được xem là bất thường và nguy hiểm nếu nó kéo dài và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Bố mẹ có thể căn cứ vào một số biểu hiện cụ thể dưới đây để xác định xem tình trạng vặn mình ở bé nhà mình có đang bất thường không:
- Trẻ vặn mình có kèm theo triệu chứng sốt cao, sốt co giật hoặc tím tái chân tay.
- Trẻ không hứng thú với việc bú sữa.
- Chiều cao và cân nặng của con không đạt đúng với độ tuổi.
- Trẻ quấy khóc nhiều và luôn ở trạng thái uể oải.
- Da của trẻ có dấu hiệu bị dị ứng và nổi mề đay.
- Trẻ nôn trớ nhiều và chất nôn có màu xanh lá cây hoặc màu vàng.

Cách giải quyết:
Trẻ sơ sinh bị vặn mình kèm theo các biểu hiện bất thường trên có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như: Thiếu vitamin D, thiếu canxi, suy dinh dưỡng, trào ngược dạ dày.
Nếu như bé đang có những triệu chứng này thì bố mẹ tuyệt đối không được chủ quan. Việc cần thiết nhất bố mẹ cần làm lúc này là hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị sớm.
Trên thực tế không có loại thuốc nào được coi là thuốc chống vặn mình cho trẻ sơ sinh. Muốn cải thiện vấn đề của trẻ bố mẹ chỉ cần chú ý hơn đến việc chăm sóc con.