Cảnh báo: Trẻ ăn dặm hay bị nôn trớ do con ăn quá sớm?

Hỏi

Em chào chuyên gia. Em có vấn đề này mong nhận được sư tư vấn của chuyên gia.

Bé trai nhà em hiện được 6 tháng 17 ngày tuổi. Khoảng nửa tháng nay em bắt đầu tập cho bé ăn dặm. Hàng ngày, ngoài sữa mẹ thì con được ăn thêm cháo thịt, xay nhuyễn với rau củ quả.

Điều làm em đang lo lắng là kể từ khi ăn dặm con thường xuyên gặp phải tình trạng nôn trớ. Em đang rất bối rối và không biết nên làm gì cả.

Chuyên gia cho em hỏi, tình trạng trẻ ăn dặm hay bị nôn như vậy là do đâu và có cách nào để khắc phục không? Em cảm ơn.

Trẻ ăn dặm hay bị nôn không phải là hiện tượng hiếm gặp
Trẻ ăn dặm hay bị nôn không phải là hiện tượng hiếm gặp

Đáp

Chào mẹ. Cảm ơn mẹ đã gửi thắc mắc về cho chúng tôi. Những băn khoăn, lo lắng của mẹ sẽ được giải đáp qua một số thông tin ở bài viết này.

1. Nguyên nhân trẻ ăn dặm hay bị nôn trớ

1.1. Nguyên nhân khách quan – Thời điểm và cách chăm sóc trẻ chưa đúng

Thời điểm:

Dưới 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh non yếu và chưa thể dung nạp được thức ăn khác ngoài sữa. Vì vậy, việc bố mẹ để trẻ ăn dặm sớm thì tình trạng nôn trớ sẽ rất dễ xảy ra.

Cách chăm sóc trẻ chưa đúng:

  • Bé ăn nhiều một lúc: Bé ăn quá nhiều trong một bữa khiến cho dạ dày bị quá tải và dẫn đến việc thức ăn trong dạ dày trào ra ngoài.
  • Tư thế ăn không đúng: Dạ dày của bé nằm ngang và rất nhỏ. Khi trẻ ăn không đúng tư thế thì con sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng nôn trớ sau khi ăn.
  • Không vỗ ợ hơi sau khi trẻ ăn xong: Trong quá trình ăn, trẻ có thể nuốt phải nhiều hơi thừa. Hơi thừa trong dạ dày không được tống khứ ra khỏi cơ thể trở thành nguyên nhân khiến trẻ bị đầy bụng và nôn trớ.
  • Đồ ăn quá đặc: Mẹ cho bé ăn thức ăn quá đặc khiến dạ dày không thể tiêu hóa được và gây ra hiện tượng nôn trớ.
  • Đồ ăn không phù hợp: Một lý do nữa dẫn đến việc trẻ bị nôn trớ sau khi ăn dặm đó là thành phần trong thức ăn không phù hợp.
Trẻ có thể bị nôn trớ do mẹ cho ăn quá nhiều
Trẻ có thể bị nôn trớ do mẹ cho ăn quá nhiều

1.2. Nguyên nhân chủ quan – Xuất phát từ bệnh tật

Bé hay nôn khi ăn dặm có khả năng là do một số bệnh lý sau đây gây nên:

  • Bệnh nhiễm khuẩn cấp tính: Viêm họng, viêm phổi, viêm dạ dày ruột,…cũng là những lý do khiến trẻ thường xuất hiện triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, sốt và nôn trớ.
  • Bệnh ngoại khoa: Lồng ruột, tắc ruột,…Các bệnh này dễ làm trẻ bị đau quặn bụng, đi ngoài ra máu, đầy hơi, nôn mửa,…

Lưu ý: Trẻ bị nôn do bệnh lý thường có các biểu hiện như: Chậm lớn, ói ra dịch mật, sốt,…Với những trường hợp này, bố mẹ cần sớm cho trẻ đi khám để được điều trị kịp thời.

2. Phải làm gì sau khi trẻ ăn dặm bị nôn?

Nếu thấy trẻ bị nôn trớ sau khi ăn dặm mẹ hãy xử lý theo 3 bước sau:

Bước 1: Mẹ hãy bế bé theo hướng thẳng. Mẹ nhớ luôn để đầu bé cao hơn so với bụng để tránh tình trạng chất nôn tràn vào phổi.

Bước 2: Vỗ lưng để giúp bé ợ hết chất dịch còn mắc ở cổ họng. Khi vỗ lưng ợ hơi cho bé, mẹ phải thực hiện nhanh nhưng động tác không được mạnh để tránh làm con đau.

Bước 3: Mẹ dùng khăn lau sạch miệng của bé. Nếu mẹ thấy bé trớ lên cả mũi thì nhanh chóng lấy nước muối sinh lý rửa sạch để tránh tình huống con bị sặc thức ăn lên mũi.

Lưu ý: Khi xử lý các bước trên mẹ hãy thực hiện một cách nhẹ nhàng. Sau khi bé hết nôn mẹ hãy ôm bé vào lòng để con được trấn tĩnh và bớt hoảng sợ hơn.

3. Lời khuyên giúp trẻ bớt nôn trớ khi tập ăn dặm

Giai đoạn 7-24 tháng tuổi là thời điểm ăn dặm của trẻ
Giai đoạn 7-24 tháng tuổi là thời điểm ăn dặm của trẻ

Để hạn chế hiện tượng trẻ bị nôn trớ khi tập ăn dặm, mẹ hãy áp dụng ngay những hướng dẫn sau đây nhé:

Cho bé ăn dặm đúng độ tuổi: Theo các chuyên gia, không nên cho trẻ ăn dặm sớm quá cũng như muộn quá. Bố mẹ hãy để trẻ ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi và kết thúc quá trình này khi con được 2 tuổi.

Không ép trẻ ăn quá no: Bố mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày ra thành nhiều lần. Bữa ăn của trẻ sẽ diễn ra vào thời gian cố định với lượng thức ăn vừa phải.

Không để trẻ vừa ăn vừa nằm: Đây được xem là điều rất quan trọng vì việc vừa ăn vừa nằm sẽ khiến thức ăn trong dạ dày trẻ dễ bị trào ra ngoài hơn.

Tư thế ngủ: Bố mẹ nên để con ngủ theo tư thế nằm ngửa. Một điều bố mẹ cần nhớ nữa là phải luôn để đầu con cao hơn bụng trong lúc nằm để con không bị nôn trớ hay ọc sữa.

Nới rộng quần áo của bé sau khi ăn: Khi ăn no, dạ dày của bé sẽ căng ra. Vì thế, hãy nới lỏng quần áo của bé để dạ dày không bị đè ép.

Lời khuyên: Nếu đã áp dụng hết các cách trên mà thấy hiện tượng nôn trớ không giảm thì bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tìm ra nguyên nhân.

Trên đây là những thông tin giải đáp của chúng tôi về hiện tượng trẻ ăn dặm hay bị nôn. Chúc bé nhà bạn luôn khỏe mạnh.

Leave a Reply