Hỏi
Em chào chuyên gia. Em có câu hỏi này muốn nhờ chuyên gia giải đáp.
Bé gái nhà em hiện nay mới được 1 tháng 15 ngày tuổi. Nửa tháng gần đây con hay bị ọc sữa. Khi mới ọc sữa xong con không hề cuối khóc gì và vẫn đòi bú mẹ tiếp. Thấy con muốn ăn nên em vẫn cho con bú lại bình thường.
Thế nhưng, hôm qua em đọc được thông tin trên mạng là trẻ ọc sữa xong không được cho bú lại luôn vì nó sẽ ảnh hưởng đến dạ dày của con.
Vậy theo chuyên gia trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại không? Mong sớm nhận được sự phản hồi của chuyên gia. Em xin chân thành cảm ơn!
Đáp
Chào bạn! Cũng giống như bạn, câu hỏi: “Trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại không?” là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ, nhất là với những mẹ lần đầu tiên chăm con nhỏ.
Phần lớn trẻ ọc sữa do sinh lý nên có thể cho bú lại. Tuy nhiên, nhiều trường hợp cho bú ngay lại ảnh hưởng đến bé.
Để biết trường hợp nào bé được bú lại luôn còn trường hợp nào thì không nên, bạn hãy đọc hết những thông tin sau nhé.
1. Trường hợp bé được bú lại luôn sau khi ọc sữa
1.1. Nhận biết trường hợp bé được bú lại khi vừa ọc sữa

Trường hợp trẻ bị nôn trớ và ọc sữa do cách chăm sóc của bố mẹ chưa đúng như: Để trẻ ăn quá nhanh, quá no, nằm ngay sau khi ăn thì bạn hoàn toàn có thể cho trẻ bú tiếp.
1.2. Nguyên nhân
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa là do dạ dày còn nằm ngang và hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường. Từ 6 tháng tuổi trở lên, hiện tượng nôn trớ sẽ tự giảm dần rồi biến mất hẳn ở giai đoạn con được 1 tuổi.
Với những trẻ ọc sữa do sinh lý thì bạn không cần phải lo lắng nhiều. Trên thực tế, hiện tượng này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của con. Khi cho trẻ bú lại bạn chỉ cần lưu ý không cho bé ăn quá no để tránh tình trạng nôn trớ lại xảy ra nữa.
1.3. Hướng dẫn cách cho bú
Cho trẻ bú đúng tư thế: Tư thế dễ nhất là mẹ bế con lên rồi cho bú. Ngoài ra, bạn phải để bé ngậm đúng khớp ti để con không nuốt phải hơi thừa gây đầy bụng khiến con bị nấc và nôn trớ sau khi bú.
Chia nhỏ cữ bú: Mục đích của việc chia nhỏ cữ bú là để dạ dày trẻ không bị hoạt động quá sức, con bú quá no và gây ra tình trạng nôn trớ, ọc sữa.
Kiểm soát tốc độ ăn của trẻ: Nếu ăn quá nhanh, trẻ sẽ có nguy cơ nuốt phải nhiều hơi thừa. Vì thế, kiểm soát tốc độ ăn của trẻ là việc rất quan trọng.
2. Trường hợp không nên cho bé bú luôn sau khi ọc sữa
2.1. Nhận biết trường hợp không nên cho bé bú lại luôn
Bé thường xuyên có dấu hiệu ọc sữa kèm theo các biểu hiện bất thường như: Co giật, sốt cao, chướng bụng, mệt mỏi…thì bạn không nên để trẻ bú lại luôn.
2.2. Nguyên nhân
Trẻ ọc sữa kèm theo các biểu hiện bất thường có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như: Lồng ruột, rối loạn hệ tiêu hóa, dạ dày,…
Khi mắc phải những bệnh lý này thì hệ tiêu quá của trẻ rất yếu. Việc mẹ cho bé bú ngay sẽ khiến dạ dày con bị mệt và tổn thương.

2.3. Hướng dẫn cách xử lý
Khi trẻ sơ sinh bị trớ sữa do bệnh lý, mẹ nên cho bé nghỉ ngơi ít nhất khoảng 30 phút rồi mới cho ăn tiếp. Việc quan trọng nhất lúc này mẹ cần làm đó là vệ sinh chất nôn sạch sẽ ở miệng của trẻ sau đó vỗ về giúp con trấn tĩnh lại.
3. Lời khuyên cho bố mẹ
3.1. Với trẻ ọc sữa thông thường
Ọc sữa ở trẻ là hiện tượng sinh lý thông thường không nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, ọc sữa khiến cho quá trình nạp dinh dưỡng của con bị ảnh hưởng. Do vậy, mẹ cần có một số lưu ý sau để hạn chế tình trạng này.
- Không cho trẻ bú quá no một lúc bằng cách chia nhỏ cữ bú.
- Cho trẻ bú đúng tư thế, không nên cho trẻ bú khi nằm.
- Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoải mái để tránh gây khó chịu lên vùng bụng của con.
- Dành thời gian giúp trẻ vỗ ợ hơi ngay sau khi ăn.

3.2. Với trẻ ọc sữa kèm biểu hiện bất thường
Trẻ ọc sữa kèm theo các biểu hiện bất thường có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm. Do đó, mẹ cần sớm đưa con đến bác sĩ kiểm tra để được khám và điều trị kịp thời.
Tóm lại: Trẻ ọc sữa bao lâu thì cho bú lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Để biết trường hợp nào trẻ có thể được bú lại luôn còn trường hợp nào cần phải cho dạ dày con nghỉ ngơi thì bạn hãy dựa vào những biểu hiện cụ thể của trẻ nhé.
Hy vọng với những thông tin trên, bạn đọc đã trả lời được câu hỏi: “Trẻ bị ọc sữa có nên cho bú lại không?”. Chúc bé nhà bạn luôn khỏe mạnh!