Mục lục
Trẻ bị ọc sau khi uống sữa công thức là do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện. Ngoài ra, thành phần protein trong sữa cũng là “thủ phạm” gây ra vấn đề này ở trẻ.
Vậy mẹ đã biết cách làm thế nào để giúp trẻ hạn chế tình trạng này chưa? Nếu còn lúng túng thì đừng bỏ lỡ những thông tin dưới đây nhé.
1. Tại sao trẻ bị ọc khi uống sữa công thức?
1.1. Trẻ bị dị ứng với protein trong sữa

Sữa dành cho trẻ sơ sinh phần lớn là sữa bò. Loại sữa này có hàm lượng protein cao. Nhiều trẻ có cơ địa nhạy cảm nên rất dễ phản ứng với thành phần này trong sữa.
Khi cơ thể nhận diện sai và lầm tưởng protein là chất có hại thì hiện tượng nôn trớ và ọc sữa sẽ xảy ra.
1.2. Hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện
Dạ dày của bé còn nằm ngang: Khác với người lớn chúng ta, trẻ sơ sinh có dạ dày nằm ngang. Vì thế, chỉ cần ăn no một chút là sữa trong cơ thể trẻ đã bị trào ra.
Mẹ để bé bú không đúng tư thế: Việc để đầu bé thấp hơn so với bụng khi bú bình không chỉ khiến cho trẻ dễ bị sặc mà còn là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ọc sữa.
Bé bú sữa nhanh: Khi bú sữa nhanh, bé có nguy cơ nuốt phải nhiều hơi từ bên ngoài vào dạ dày. Điều này làm tăng khả năng khiến bụng bé bị đầy hơi và xuất hiện triệu chứng ọc sữa ra ngoài.
Bé bú sữa quá no: Dung tích dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ. Do đó, việc trẻ ăn no thì hiện tượng ọc sữa sẽ rất dễ xảy ra.
2. Biện pháp hạn chế ọc sữa cho bé
Mặc dù ọc sữa công thức không gây nguy hiểm nhưng về lâu dài nó sẽ khiến cho sức khỏe của trẻ bị ảnh hưởng. Để giúp con khắc phục tình trạng này, mẹ hãy áp dụng một số gợi ý sau nhé:

Tư thế bú: Mẹ cần cho trẻ bú đúng tư thế và nhớ là để sữa ngập đầu bình nhằm hạn chế tối đa việc nuốt phải bọt khí. Các chuyên gia cũng khuyên không nên để trẻ vừa nằm vừa ăn vì điều này không tốt cho dạ dày của con.
Kiểm soát tốc độ bú sữa của bé: Không để bé uống sữa quá nhanh để tránh tình trạng bé nuốt phải hơi gây chướng bụng.
Tránh để bé bú quá no: Mẹ nhớ là chia nhỏ các cữ bú khi cho con ăn. Trên thực tế, cho bé uống một lượng sữa vừa phải là cách rất hiệu quả để giảm hiện tượng nôn trớ ở trẻ.
Giúp bé ợ hơi: Trong quá trình ăn, trẻ sẽ có nguy cơ nuốt phải hơi thừa và gây ra tình trạng chướng bụng. Vì thế, mẹ cần thường xuyên vỗ lưng để bé dễ dàng tống hết hơi dư thừa ra khỏi cơ thể mình.
Không để bé nằm khi vừa mới ăn xong: Nhiều mẹ vẫn có thói quen đặt bé nằm xuống giường ngay khi vừa ăn xong. Điều này rất có hại vì nó làm sữa dễ dàng bị trào ngược lên cổ họng của con.
Chọn sữa: Trẻ rất dễ dị ứng với sữa công thức. Để tránh việc trẻ bị ứng với sữa, mẹ cần lưu ý những điểm sau:
- Chọn sữa theo giai đoạn phát triển của bé: Trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên cho uống sữa bò tươi, sữa không béo, sữa đặc, sữa bột và sữa có đường. Vì cơ thể trẻ rất nhạy cảm và dễ kích ứng với chúng.
- Xem kỹ phần của sữa: Với trẻ dị ứng sữa bò, nên sử dụng sữa có nguồn gốc từ đậu này, sữa thủy phân để thay thế. Đặc biệt để hạn chế tình trạng ọc sữa, mẹ có thể chọn sữa có thêm gạo hoặc chất cô đặc.
- Chọn thương hiệu uy tín: Lựa chọn những thương hiệu sữa uy tín sẽ giúp mẹ yên tâm hơn. Ngoài ra mẹ cần lưu ý, không chọn những hộp sữa có vỏ ngoài bị bóp méo vì chất lượng sữa đã bị giảm.
3. Trường hợp nào mẹ cần cho bé đi khám bác sĩ?
Thông thường trẻ ọc sữa công thức không nguy hiểm và có thể tự khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, nếu thấy bé ọc sữa kèm theo một số triệu chứng sau thì mẹ nên cho con đi khám.

- Bé đang khỏe mạnh nhưng đột nhiên ọc sữa liên tục và có biểu hiệu quấy khóc, bức bối, khó chịu trong người.
- Bé bị ọc sữa và tiêu chảy. Rất có thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do con ngộ độc thực phẩm, lộn ruột hoặc ruột bị nhiễm khuẩn. Nếu thấy các biểu hiện này mẹ cần cho con sớm đi khám.
- Tình trạng ọc sữa kéo dài khiến trẻ bị sụt cân, sức đề kháng kém và hay ốm vặt.
- Những trường hợp như: Mệt lả, tím tái, sốt, co giật,…rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ nên không thể tự điều trị ở nhà.
- Trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi vẫn thường xuyên bị ọc sữa thì cũng cần được sớm đi khám.
Trẻ bị ọc sữa công thức do nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, mẹ cần sớm tìm ra nguyên nhân khiến trẻ bị ọc khi uống sữa công thức để có được cách xử lý kịp thời và an toàn.