Hỏi
Em chào chuyên gia. Em có câu hỏi muốn nhờ chuyên gia tư vấn.
Bé trai nhà em hiện tại mới được 2 tháng tuổi. Trộm vía là hàng ngày con ăn ngoan. Hôm qua em cho con cân thì thấy cân nặng của con đang phát triển đúng với độ tuổi của mình.
Tuy nhiên, có một điều làm em lo lắng đó là gần đây bé hay bị ọc sữa vào ban đêm. Sau khi ọc sữa thì con quấy khóc khoảng 30 phút mới hết.
Em đã bổ sung men vi sinh cho bé nhưng tình trạng này vẫn không giảm. Vậy chuyên gia cho em hỏi việc bé hay ọc sữa về đêm là bình thường hay bất thường?
Em xin chân thành cảm ơn!
Đáp
Bé hay ọc sữa về đêm là một vấn đề rất hay xảy ra ở trẻ nhỏ, nhất là với trẻ sơ sinh. Phần lớn thì hiện tượng này là bình thường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nó có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
Để biết tình trạng ọc sữa của bé là bình thường hay bất thường thì bạn hãy tham khảo những thông tin dưới đây.
1. Bé hay ọc sữa về đêm được xem là bình thường
1.1. Dấu hiệu

Trẻ bị nôn trớ khi ngủ được cho là bình thường khi đáp ứng được đầy đủ những tiêu chí sau:
- Trẻ chỉ bị ọc sữa sau khi ăn no.
- Lượng sữa trớ ra không nhiều và chất nhầy ọc ra là sữa vừa mới bú.
- Trẻ chỉ bị ọc sữa và không xuất hiện thêm bất kỳ biểu hiện bất thường nào khác.
1.2. Nguyên nhân
Nguyên nhân khiến bé hay nôn trớ về đêm chủ yếu là do trào ngược dạ dày. Hiện tượng này xảy ra do sinh lý của trẻ chưa hoàn thiện.
- Dạ dày trẻ nằm ngang và nhỏ.
- Van dạ dày của trẻ lỏng và chưa thể đóng, mở nhịp nhàng.
Vì những lý do này mà việc bé bú quá no, bú nhanh hay bú sai tư thế thì bất kể là ngày hay đêm lượng sữa trong cơ thể đều có thể bị ọc ra ngoài.
2. Bé hay ọc sữa vào ban đêm được xem là bất thường
2.1. Dấu hiệu

Mẹ có thể nhận biết hiện tượng trẻ ọc sữa vào ban đêm không bình thường qua những biểu hiện sau đây:
- Trẻ sơ sinh hay bị nôn trớ, ọc sữa khi ngủ mặc dù thời gian bú mẹ đã lâu.
- Chất nôn bé ọc ra là sữa đã tiêu hóa dở và kèm theo cả màu vàng hoặc màu nâu.
- Trẻ sơ sinh hay ọc sữa vào ban đêm và có thêm các biểu hiện khác như: Sốt cao, co giật, chướng bụng,…
2.2. Nguyên nhân
Trẻ ọc sữa vào ban đêm kèm theo những biểu hiện bất thường có thể do trẻ đang mắc một số bệnh lý nguy hiểm như:
- Dị tật đường tiêu hóa.
- Tắc ruột, lồng ruột.
- Trẻ thiếu canxi.
3. Lời khuyên dành cho bố mẹ
3.1. Với trẻ ọc sữa vào ban đêm do sinh lý
Ọc sữa sinh lý ở trẻ sơ sinh thường không nguy hiểm và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé. Mẹ có thể tự giúp bé khắc phục hiện tượng này qua những cách chăm sóc dưới đây:
Đối với trẻ:

- Cho trẻ uống men vi sinh để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Chia cữ bú đều cho trẻ. Mẹ không để trẻ bú quá no một lúc.
- Kiểm soát tốc độ bú ở trẻ. Tránh để trẻ bú nhanh dẫn đến việc nuốt phải nhiều hơi gây chướng bụng, ọc sữa.
- Cho trẻ bú đúng tư thế.
Đối với mẹ: Sữa mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sức đề kháng và sự phát triển của bé. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc trẻ đúng cách, mẹ cần đảm bảo cho mình một chế độ ăn khoa học.
- Ăn đủ chất, uống đủ nước và bổ sung nhiều trái cây.
- Hạn chế ăn tinh bột và kiêng đồ ngọt.
- Hạn chế tất cả các thực phẩm cay nóng và nhiều dầu mỡ.
3.2. Với trẻ ọc sữa vào ban đêm bất thường
Trường hợp mẹ nhận thấy trẻ có những dấu hiệu ọc sữa bất thường, lời khuyên cho mẹ là đưa bé đi khám sớm nhất có thể để tìm ra nguyên nhân.
Trên đây là những điều chúng tôi muốn gửi đến bạn. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ mang tính chất tham khảo.
Để xác định chính xác nguyên nhân khiến bé hay ọc sữa về đêm thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn.