Mục lục
Trẻ sơ sinh hay ọc sữa và thở khò khè là một trong những hiện tượng rất phổ biến trong giai đoạn đầu đời. Nếu để tình trạng này kéo dài, sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu.
Việc quan trọng nhất khi thấy trẻ bị ọc sữa và thở khò khè là sớm tìm ra nguyên nhân cũng như hướng xử lý để giúp con luôn được khỏe mạnh.
1. Lý do khiến trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè

1.1. Hiện tượng ọc sữa
Do sinh lý của trẻ chưa hoàn thiện:
Ọc sữa ở trẻ sơ sinh phần lớn là do sinh lý chưa hoàn thiện. Khi mới chào đời, dạ dày của trẻ rất nhỏ và nằm ngang. Tâm vị cũng rất lỏng lẻo nên khả năng co bóp không được nhịp nhàng. Đó là lý do vì sao trẻ rất dễ bị ọc sữa trong giai đoạn dưới 6 tháng tuổi.
Thói quen chăm sóc của bố mẹ chưa đúng:
Những thói quen hàng ngày như là để trẻ ăn quá nhiều một lúc, đặt trẻ nằm ngay sau khi ăn hay bú sai tư thế làm gia tăng thêm tình trạng ọc sữa ở bé.
Do bệnh lý:
Một số bệnh lý như lồng ruột, lộn ruột,… cũng có thể khiến trẻ bị ọc sữa.
1.2. Hiện tượng thở khò khè
Do sinh lý chưa hoàn thiện:
Trẻ sơ sinh chủ yếu thở bằng đường mũi, trong khi đường mũi lại rất nhỏ. Vì vậy, trẻ rất dễ bị ngạt mũi và thở khò khè.
Dịch ối còn sót lại:
Ở những trẻ sinh mổ, phổi của trẻ không được các cơ ở thành âm đạo và xương chậu của mẹ ép chặt để lấy hết nước ối ra ngoài. Vì thế, dịch ối thường bị sót lại và trở thành nguyên nhân cản trở đường hô hấp của trẻ.
Do cách chăm sóc của bố mẹ:
Trẻ hoàn toàn có thể bị khò khè nếu con ăn quá no, ăn quá nhanh hoặc cơ thể không đủ ấm.
Do bệnh lý:
Khi trẻ bị trào ngược dạ dày, sữa và dịch vị axit có thể tràn qua đường hô hấp và gây kích thích việc tăng tiết đờm.
Sổ mũi, ho, cảm lạnh,… là những bệnh lý về đường hô hấp thường xuyên gây ra tình trạng khò khè, khó thở ở trẻ sơ sinh.
2. Cách chăm sóc trẻ bị ọc sữa và thở khò khè
Đa phần các trường hợp ọc sữa và thở khò khè ở trẻ sơ sinh đều không nguy hiểm nên có thể tự xử lý ở nhà. Bố mẹ có thể giúp trẻ khắc phục lại vấn đề này theo các cách sau:
2.1. Vệ sinh sạch mũi cho trẻ
Các chuyên gia khuyên bố mẹ nên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi đều đặn cho trẻ. Vì nước muối sinh lý sẽ giúp trẻ tống khứ nhanh đàm nhớt và gỉ mũi ra ngoài.
Mỗi ngày bố mẹ nên vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý từ 2 – 3 lần. Khi rửa mũi, bố mẹ hãy để trẻ nằm nghiêng rồi nhỏ nước muối vào lỗ mũi của con cho tới khi thấy nước muối chảy ra ở mũi bên kia là được.
2.2. Cho trẻ bú đúng cách

Cho trẻ bú đúng tư thế là biện pháp rất hiệu quả để ngăn ngừa việc trẻ nuốt phải khí thừa trong lúc bú. Nhờ đó, tình trạng ọc sữa và thở khò khè ở trẻ sẽ được cải thiện rất nhiều.
Với trẻ bú mẹ, mẹ hãy bế con sao cho phần đầu luôn cao hơn so với phần thân. Khi thấy sữa chảy về nhiều, mẹ nên dùng ngón tay kẹp lại để tiết chế sữa chảy xuống nhằm tránh tình trạng con bị sặc và nôn trớ.
Với trẻ bú bình, bố mẹ không nên để bình sữa nghiêng quá nhiều vì điều này sẽ khiến con nuốt phải nhiều khí thừa. Bố mẹ cần để trẻ ngậm đúng núm vú và luôn luôn kiểm soát tốc độ ăn của con.
2.3. Vỗ ợ hơi cho trẻ
Vỗ ợ hơi là cách để tống khứ khí thừa trong cơ thể trẻ ra ngoài. Nhờ đó, tình trạng ọc sữa sẽ giảm và trẻ cũng bớt thở khò khè hơn.
Cách vỗ ợ hơi cho trẻ rất đơn giản. Đầu tiên bố mẹ hãy bế trẻ lên sao cho cằm trẻ tựa vào vai mình. Một tay bố mẹ giữ bé, tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng của trẻ cho đến khi tiếng ợ hơi phát ra.
2.4 Cho trẻ ngủ đúng tư thế

Trẻ ngủ không đúng tư thế rất dễ bị thở khò khè và nôn trớ. Vì vậy, muốn tránh được hiện tượng này bố mẹ phải cho trẻ ngủ đúng tư thế.
Hướng dẫn cách cho trẻ ngủ:
- Bố mẹ đặt trẻ xuống sao cho đầu con nằm trên gối, chân tay của trẻ duỗi ra ở trạng thái thoải mái nhất.
- Lúc đầu, bố mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng về bên trái rồi sau đó thay đổi bên nằm thường xuyên để trẻ không cảm thấy khó chịu.
3. Dấu hiệu trẻ cần được đi khám
Trẻ sơ sinh hay trớ và thở khò khè đôi khi lại là dấu hiệu bên ngoài của một số bệnh lý nguy hiểm. Nếu thấy trẻ xuất hiện một vài biểu hiện sau, tốt nhất bố mẹ hãy cho con đi gặp bác sĩ để sớm tìm ra nguyên nhân và phương pháp điều trị.
- Trẻ khò khè ọc sữa kèm theo biểu hiện khó thở.
- Tình trạng khò khè và ọc sữa của trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm dù bố mẹ đã áp dụng các biện pháp chăm sóc trẻ đúng cách tại nhà.
- Trẻ lười bú mẹ và chậm tăng cân.
- Trẻ nôn trớ ra dịch mật có màu xanh hoặc màu vàng.
- Trẻ quấy khóc và không hứng thú với việc chơi đùa.
Từ những thông tin trên, chúng tôi tin là bố mẹ đã hiểu hơn về lý do khiến trẻ sơ sinh bị ọc sữa và thở khò khè cũng như là cách xử lý vấn đề này. Chúc cho hành trình chăm sóc bé yêu của bố mẹ luôn thuận lợi.