Mục lục
Trẻ sơ sinh hay bị nấc và trớ là phản ứng hết sức tự nhiên của cơ thể. Hiện tượng này tuy không nguy hiểm nhưng sẽ đem đến những phiền toái cho trẻ.
Bài viết dưới đây sẽ gơi ý 6 điều mẹ cần dừng ngay lập tức nếu không muốn trẻ thường xuyên gặp phải vấn đề này.
1. Vì sao trẻ sơ sinh hay bị nấc và trớ?

1.1. Nguyên nhân gây nấc
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh hay bị nấc là do sự co thắt của cơ hoành.
- Cơ hoành là cơ có hình vòm và nằm ở vị trí cuối cùng của phổi. Cơ hoành hoạt động theo cơ chế giãn ra rồi co lại để giúp bé thở.
- Khi bé bú quá nhanh hoặc quá no cơ hoành sẽ co bóp một cách vô thức và đột ngột. Điều này khiến cho hơi bị đẩy vào cơ thể trẻ nhiều hơn so với bình thường.
- Lượng hơi nhiều tác động vào dây thanh quản rồi đột ngột đóng lại sẽ tạo thành tiếc nấc mà trẻ phát ra.
1.2. Nguyên nhân gây trớ
Do sinh lý chưa hoàn thiện: Trẻ sơ sinh thường xuyên bị trớ là do dạ dày nằm ngang và rất nhỏ. Bên cạnh đó, van dạ dày của trẻ cũng chưa thể đóng mở nhịp nhàng như người lớn.
Cách chăm sóc chưa đúng: Trẻ sẽ có nguy cơ bị trớ sữa nhiều hơn nếu bố mẹ để trẻ bú sai tư thế, bú quá nhanh hoặc quá nhiều 1 lúc.
2. Nấc và trớ ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
Nấc và trớ ở trẻ sơ sinh là một điều rất bình thường. Hiện tượng này không nguy hiểm nhưng sẽ khiến trẻ gặp phải một số vấn đề như: Mất đi lượng sữa vừa nạp vào, khó chịu vì cơ hoành không co bóp nhịp nhàng.
Phần lớn, tình trạng nấc cụt sẽ chỉ kéo dài trong vài phút sau đó tự khỏi. Còn nôn trớ sẽ tự giảm dần khi bé được khoảng 6 tháng tuổi rồi tự chấm dứt hẳn.
3. Làm thế nào để giảm chứng nấc và trớ ở trẻ sơ sinh?

Muốn hạn chế được chứng hay nấc và trớ ở bé, mẹ phải tránh những điều sau trong quá trình chăm sóc con:
Không để trẻ bú quá no: Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ nên không có khả năng chứa được nhiều sữa. Vì thế, mẹ nhớ là không để trẻ bú quá no một lúc.
Không cho trẻ bú nhanh: Trẻ bú vội vã sẽ nuốt dính nhiều hơi và gây ra hiện tượng nấc và trớ. Do đó, giảm tốc độ bú của trẻ là cách làm hiệu quả để cải thiện vấn đề này.
Không để trẻ bú nhiều một lúc: Trẻ ăn quá nhiều một lúc sẽ khiến cho dạ dày bị quá tải và gây ra tình trạng nấc và trớ. Để điều này không xảy ra, bạn hãy chia nhỏ cữ bú của trẻ.
Không để trẻ mặc quần áo chật chội: Mẹ nên cho trẻ mặc những bộ quần áo rộng rãi với chất liệu mềm mại để cơ thể trẻ luôn được thoải mái và dễ chịu.
Không để trẻ nằm ngay sau ăn: Theo các chuyên gia, sau khi trẻ ăn xong mẹ nên bế trẻ khoảng 30 phút rồi mới đặt nằm. Mẹ nên đặt trẻ ở tư thế nằm ngửa. Vì điều này sẽ giảm được hiện tượng hay bị trớ và nấc ở trẻ sơ sinh.
Không để trẻ ăn ở nơi ồn ào: Mẹ không nên cho trẻ ăn ở không gian ồn ào vì trẻ nhỏ rất dễ bị phấn khích và mất tập trung. Khi phấn khích quá mức nguy cơ trớ hoặc nấc ở trẻ sẽ dễ xảy ra hơn.
4. Khi nào trẻ cần phải gặp bác sĩ?

Phần lớn các trường hợp trẻ sơ sinh bị nấc và trớ là do sinh lý. Tuy nhiên, một số trường hợp lại là biểu hiện của bệnh lý.
Nếu thấy trẻ những biểu hiện dưới đây thì tốt nhất bạn hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị:
- Trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng.
- Trẻ ho và khóc nhiều khi bú sữa.
- Trẻ chán ăn, không hứng thú với việc bú sữa.
- Trẻ đầy hơi, chướng bụng và mệt mỏi.
- Trẻ bị khó thở, chân tay bị tím tái.
- Cơn nấc của trẻ kéo dài liên tục trong vài giờ và không có dấu hiệu dừng lại.
- Trẻ trớ ra máu hoặc dịch mật màu xanh.
Nấc và trớ là hiện tượng rất dễ xảy ra với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, từ những chia sẻ trên chúng tôi tin bạn đã biết phải làm gì khi trẻ sơ sinh hay bị nấc và trớ.