Mục lục
Trẻ thở khò khè khi ngủ có thể là điều khiến nhiều bố mẹ lo lắng và căng thẳng. Thế nhưng, nếu như hiểu đúng vấn đề này, chắc chắn bố mẹ sẽ có những thay đổi trong suy nghĩ.
1. Lý do khiến trẻ thở khò khè khi ngủ
Sinh lý chưa hoàn thiện: Tình trạng khò khè ở trẻ sơ sinh chủ yếu là do sinh lý chưa hoàn thiện. Khi mới chào đời, trẻ sơ sinh chủ yếu thở bằng mũi. Trong khi đó, kích thước lỗ mũi của trẻ lại nhỏ và rất dễ bị tắc.
Dịch ối còn sót lại: Ở trẻ sơ sinh, nhất là những trẻ sinh mổ, tình trạng dịch ối còn sót lại sau khi sinh khá phổ biến. Những dịch còn sót lại này thường bị tích tụ lại và trở thành nguyên nhân cản trở đến đường thở của trẻ.
Cảm lạnh: Sức đề kháng kém khiến trẻ nhỏ rất dễ bị cảm lạnh nhất là vào giai đoạn thời tiết chuyển mùa. Khi bị cảm lạnh, trẻ thường xuất hiện các triệu chứng khó chịu như: Nghẹt mũi, thở khò khè,…
Dị ứng: Nếu bị dị ứng bởi một chất nào đó trong không khí thì cơ thể của trẻ sẽ tự tạo ra phản ứng. Điều này sẽ khiến cho đường dẫn khí bị hẹp và làm phát ra tiếng khò khè, khụt khịt khi trẻ thở.
Hen suyễn: Hen suyễn khiến cho niêm mạc đường hô hấp của trẻ bị nhạy cảm hơn. Nó trở thành một trong những lý do gây ra hiện tượng thở khò khè khi ngủ ở trẻ nhỏ.
Trào ngược thực quản: Axit và dịch dạ dày làm thu hẹp đường dẫn khí khiến trẻ thở khò khè. Hiện tượng trào ngược thường xảy ra nhiều khi ngủ là do trẻ nằm chưa đúng tư thế hoặc nằm ngay sau khi ăn no.

2. Bố mẹ nên làm gì nếu trẻ bị thở khò khè khi ngủ?
2.1. Chăm sóc trẻ đúng cách
Để cải thiện triệu chứng khò khè khi ngủ ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần duy trì thói quen chăm sóc trẻ đúng cách.
Những hành động như: Giữ ấm cho trẻ, không để trẻ tiếp xúc với khói bụi, không ăn quá no,… có thể phòng chống và khắc phục hiệu quả vấn đề liên quan đến đường hô hấp của trẻ vậy nên bố mẹ hãy ghi nhớ nhé.
2.2. Day nhẹ cánh mũi của trẻ
Bố mẹ có thể làm tan dịch nhầy ở mũi của trẻ bằng cách day nhẹ 2 bên cánh mũi con. Nhờ động tác này mà đường thở của trẻ được thông thoáng hơn, chứng khò khè khi ngủ cũng được cải thiện đáng kể.
2.3. Vệ sinh mũi cho trẻ

Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý là biện pháp hiệu quả để giúp trẻ bớt khò khè hơn trong khi ngủ.
Rửa mũi được các bác sĩ đánh giá là phương pháp hiệu quả có tác dụng làm giảm bớt dịch nhầy, bụi bẩn, cải thiện tình trạng nghẹt mũi và thở khò khè ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, rửa mũi đúng cách còn có thể ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập xuống họng, vào tai và ngừa các bệnh lây lan qua đường hô hấp cho trẻ.
Khi trẻ bị khò khè và khó thở, bố mẹ nên vệ sinh mũi cho con 2 – 3 lần/ ngày. Còn với những ngày bình thường, bố mẹ chỉ cần duy trì rửa mũi cho con từ 2 – 3 lần/ tuần để giúp con có một hệ hô hấp khỏe mạnh.
2.4. Cho trẻ ngủ đúng tư thế
Nằm sai tư thế cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ bị khò khè hơn khi ngủ. Theo các chuyên gia, khi cho trẻ ngủ bố mẹ phải để đầu con nằm cao hơn so với thân.
Bố mẹ có thể cho trẻ ngủ trên gối. Tuy nhiên, nhớ là không được dùng gối cao quá vì điều này có thể khiến trẻ bị khó chịu hoặc mỏi cổ.
2.5. Cho trẻ bú đủ và uống nhiều nước
Khi thấy bé bị thở khò khè, bố mẹ cần cho con uống nhiều nước hơn. Vì điều này sẽ thúc đẩy nhanh quá trình làm loãng chất nhầy giúp con bớt khò khè, khó chịu ở cổ họng.
Tuy nhiên, với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, bố mẹ không cần bổ sung thêm nước cho con vì sữa con đang uống đã đủ các thành phần dưỡng chất thiết yếu rồi.
2.6. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
Trẻ gặp vấn đề về đường hô hấp cần phải luôn được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.
Với trẻ sơ sinh bị khò khè khi ngủ, bố mẹ có thể tăng số lần bú của con nhiều hơn. Còn với những trẻ lớn, bố mẹ hãy cho con ăn thêm hoa quả hoặc uống nước trái cây.
2.7. Không tự ý dùng thuốc khi trẻ thở khò khè
Bố mẹ nên nhớ là việc tự ý cho trẻ dùng thuốc khi bị khò khè thật sự rất nguy hiểm. Dùng thuốc sai liều lượng hoặc không đúng cách thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Nếu có ý định dùng thuốc khi trẻ khò khè, tốt nhất mẹ hãy tham khảo thật kỹ ý kiến của các bác sĩ hoặc các nhà chuyên môn để đảm bảo an toàn.
3. Khi nào cần cho trẻ đi khám bác sĩ?

Phần lớn tình trạng thở khò khè khi ngủ ở trẻ đều không nguy hiểm và sẽ tự biến mất sau 6 tháng tuổi.
Hiện tượng này chỉ trở thành vấn đề đáng lo ngại nếu trẻ có những biểu hiện bất thường dưới đây:
- Bé đột nhiên thở khò khè như ngáy khi ngủ và có biểu hiện tím tái da.
- Triệu chứng thở khò khè của trẻ xảy ra liên tục và kéo dài hơn 3 tuần.
- Bé có tiền sử bị hen suyễn và đột ngột xuất hiện triệu chứng thở khò khè.
- Bé thở khò khè kèm theo hiện tượng sốt, kém ăn, chậm lớn.
- Bé khó thở, hơi thở không đều hoặc mẹ cảm thấy lồng ngực của con bị thắt lại mỗi khi thở.
Cơ thể chưa cứng cáp là lý do khiến trẻ thở khò khè khi ngủ. Tuy nhiên, đây chỉ là một vấn đề hết sức bình thường nên bố mẹ đừng quá căng thẳng nhé.