Mục lục
Trẻ sơ sinh thở khò khè là nỗi ám ảnh của nhiều bố mẹ. Vào những ngày thời tiết trái gió, trở trời thì tình trạng này lại xảy ra một cách thường xuyên hơn.
Vậy hiện tượng khò khè ở trẻ sơ sinh là do đâu? Có cách nào để giúp con khắc phục không?
1. Giải thích về hiện tượng trẻ sơ sinh thở khò khè

Khò khè ở trẻ sơ sinh được hiểu là tiếng thở bất thường kèm theo những âm thanh có đặc điểm trầm, khàn và giống như tiếng huýt sáo.
Trẻ sơ sinh bị nghẹt mũi và thở khò khè là do đường hô hấp đang bị nghẹt hoặc tắc nghẽn. Khi đường hô hấp gặp vấn đề, chúng có xu hướng co thắt, tiết dịch và khiến cho việc hít thở, lưu thông không khí của trẻ gặp khó khăn.
Nhiều lúc, hiện tượng thở khò khè ở các bé sơ sinh sẽ kèm theo một số triệu chứng khác như: Có đờm, ngạt mũi, ho, viêm họng,…
2. Nguyên nhân gây khò khè ở trẻ sơ sinh
2.1. Do sinh lý chưa hoàn thiện
Khoảng 3 tháng đầu đời, trẻ sơ sinh chủ yếu hô hấp qua đường mũi. Vì vậy, khả năng loại bỏ chất nhầy trong cổ họng kém. Các chất nhầy này tích tụ lâu ngày sẽ ứ đọng ở cổ họng và khiến trẻ thở khò khè.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh thở khò khè cũng có thể là do dịch nước ối còn sót lại. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra ở những trẻ sinh mổ.
Lời khuyên cho bố mẹ: Phần lớn bé sơ sinh bị khò khè là do sinh lý chưa hoàn thiện. Hiện tượng này thường không nguy hiểm và bố mẹ có thể tự giúp bé khắc phục.
2.2. Do bệnh lý

Hen suyễn: Khi mắc bệnh hen suyễn, niêm mạc đường hô hấp của trẻ trở nên nhạy cảm, dễ bị kích thích và gây viêm. Chính vì vậy, trẻ thường có biểu hiện khò khè, khó thở và tức ngực.
Do dị ứng: Nếu là dị ứng với một chất nào đó trong không khí, cơ thể trẻ sẽ tạo ra phản ứng bằng cách co lại đường thở. Lúc này, tình trạng khò khè, khó thở ở trẻ nhỏ sẽ xảy ra.
Trào ngược thực quản: Một lượng nhỏ axit và dịch dạ dày trào ngược lên có thể tràn vào phổi, gây viêm đường hô hấp dưới của trẻ. Vì thế, trẻ bị trào ngược dạ dày hoàn toàn có thể gặp phải tình trạng thở khò khè.
Nhiễm trùng đường hô hấp: Triệu chứng chính của loại nhiễm khuẩn này thường là ho. Ngoài ra, trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng có thể gặp phải các vấn đề như: Co thắt ngực, khó thở, gia tăng tốc độ thở, thở khò khè và sốt.
Dị vật đường hô hấp: Ho sặc sụa, tím tái chân tay, muốn khóc nhưng không thể khóc được có thể là do trẻ đang bị mắc dị vật ở trong cổ họng.
Bệnh tim bẩm sinh: Khó thở và thở nhanh là dấu hiệu rất điển hình của bệnh tim bẩm sinh.
Lời khuyên cho bố mẹ: Nếu bé thở khò khè là do bệnh lý thì rất nguy hiểm. Trường hợp này, bố mẹ nên đưa con sớm đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
3. Nên làm gì khi trẻ thở khò khè?
3.1. Vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên

Trẻ sơ sinh bị khò khè cần phải được vệ sinh mũi sạch sẽ bằng nước muối sinh lý. Bố mẹ có thể áp dụng phương pháp này với cả trẻ 1 tháng tuổi đang bị thở khò khè vì nước muối sinh lý rất lành tính.
Để rửa mũi cho trẻ, bố mẹ hãy bế con ở tư thế đầu hơi ngửa. Sau đó nhỏ từ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào từng bên lỗ mũi của trẻ.
Thời điểm thích hợp nhất để vệ sinh mũi cho trẻ là lúc con mới ngủ dậy và trước khi ngủ. Ngoài ra, nếu trẻ bị khò khè nhiều thì bố mẹ có thể rửa mũi cho con 1 lần nữa vào buổi trưa.
3.2. Cho trẻ ngủ đúng tư thế
Cho trẻ ngủ đúng tư thế không những ngăn chặn hiệu quả tình trạng nôn trớ, ọc sữa mà nó còn có tác dụng cải thiện hiện tượng thở khò khè ở trẻ sơ sinh.
Theo các chuyên gia, tư thế ngủ tốt nhất mà bố mẹ nên cho trẻ ngủ đó là nằm nghiêng hoặc nằm ngửa. Trong thời gian trẻ ngủ, bố mẹ nên thường xuyên đổi tư thế để con không bị khó chịu.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể kê một chiếc khăn mỏng dưới đầu của bé để giúp con dễ thở hơn khi ngủ.
4.3. Massage cho trẻ
Những động tác massage có tác dụng giúp cho máu huyết lưu thông dễ dàng hơn. Vì vậy, massage được xem là giải pháp rất hiệu quả để khắc phục hiện tượng trẻ sơ sinh bị sổ mũi và thở khò khè.
Bố mẹ massage nhẹ nhàng vùng cổ và bụng cho trẻ theo chuyển động hình tròn từ 10 – 15 phút. Theo các chuyên gia, thời gian tốt nhất để massage đó là buổi tối trước khi đi ngủ hoặc ngay khi trẻ vừa mới thức dậy.
Tuy nhiên, khi massage bố mẹ có những lưu ý sau: Phải thực hiện các động tác massage thật nhẹ nhàng, tháo bỏ hết trang sức ra khỏi tay, tránh massage vùng da đang bị tổn thương của bé.

4.4. Giữ ấm cho trẻ
Thời tiết chuyển mùa là nguyên nhân hàng đầu khiến cho trẻ sơ sinh gặp phải hiện tượng thở khò khè ở cổ. Bố mẹ cần nhớ phải luôn giữ ấm các bộ phận: Tai, cổ, bụng, tay, chân của trẻ.
Vào mùa hè, bố mẹ nhớ là không để trẻ ngủ trước luồng gió điều hòa hoặc để quạt thổi trực tiếp vào mặt con.
4.5. Cho trẻ đi khám
Mặc dù hiện tượng thở khò khè ở các bé sơ sinh chủ yếu là hiện tượng sinh lý bình thường. Tuy nhiên, đôi khi nó lại là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm.
Nếu thấy trẻ có các dấu hiệu khác lạ như: Khó thở, tím tái chân tay, sốt cao,… bố mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện khám để được các bác sĩ khám và điều trị kịp thời.
Thở khò khè là hiện tượng rất dễ gặp ở trẻ nhỏ. Trong hầu hết các trường hợp thì cha mẹ có thể tự giúp con khắc phục tại nhà.
Thế nhưng nếu trẻ sơ sinh thở khò khè kèm biểu hiện lạ thì nhất định bố mẹ không được chủ quan.