Mục lục
Không biết cách xử lý khi trẻ thở khò khè là điều mà khiến nhiều bố mẹ lo lắng và căng thẳng.
Hiểu được khó khăn này, chúng tôi muốn chia sẻ đến các bố mẹ một số cách xử lý đơn giản nhưng rất hiệu quả với hiện tượng khò khè của bé.
1. Cách xử lý khi bé thở khò khè
1.1. Rửa mũi cho trẻ
Nước muối có tác dụng rửa sạch bụi bẩn và chất nhầy đang cản trở đường thở của trẻ. Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện khò khè, khó thở bố mẹ hãy lấy nước muối để vệ sinh mũi cho con.
Bố mẹ có thể rửa mũi cho trẻ theo các hướng dẫn sau:
- Bước 1: Bố mẹ quấn 1 chiếc khăn vào cổ trẻ sau đó đặt con nằm nghiêng.
- Bước 2: Nhỏ từ 1-2 giọt nước muối vào lỗ mũi trẻ. Bố mẹ hãy đợi vài phút để dịch mũi mềm rồi dùng tăm bông lấy hết dịch và bụi bẩn ở bên trong mũi.
- Bước 3: Sử dụng khăn mềm để lau sạch mũi của trẻ.

1.2. Cho trẻ uống đủ nước
Việc cho trẻ uống đủ nước là cực kỳ cần thiết. Trong thời điểm con đang bị khò khè thì điều này lại càng quan trọng. Vì nước có thể làm dịu cổ họng và làm loãng chất nhầy đang ứ đọng nơi cổ họng của trẻ.
Với những trẻ dưới 6 tháng tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn thì không cần cho uống thêm nước nữa. Tuy nhiên, với trẻ uống sữa công thức và bắt đầu ăn dặm, bố mẹ cần cho con uống đủ 60ml nước cho 1kg trọng lượng cơ thể.
1.3. Vỗ long đờm cho trẻ
Vỗ long đờm là biện pháp hiệu quả giúp tống khứ nhanh chất đờm nhớt ứ đọng trong cổ họng của trẻ. Nhờ đó chứng khò khè sẽ được cải thiện nhanh chóng.
Để có thể giúp bé long đờm, bố mẹ hãy thực hiện như sau:
- Bước 1: Đặt trẻ nằm nghiêng sang 1 bên hoặc bế vác lên lưng của bố mẹ.
- Bước 2: Bố mẹ khum các ngón tay lại sau đó dùng lực cổ tay vỗ thành tiếng bộp bộp. Thời gian vỗ long đờm cho trẻ từ 10-15 phút.
1.4. Thay đổi tư thế ngủ của trẻ
Thay đổi tư thế ngủ cũng là cách giúp trẻ thở dễ dàng hơn và giảm tình trạng thở khò khè.
Để con cảm thấy dễ chịu hơn, bố mẹ nên kê một chiếc gối mỏng ở dưới đầu con khi ngủ.
1.5. Massage ngực và cổ cho trẻ

Khi thấy trẻ bị khò khè và khó thở, bố mẹ hãy massage nhẹ nhàng theo chuyển động hình tròn xung quanh vùng ngực và cổ của con.
Hành động này có tác dụng lưu thông khí huyết, làm ấm đường thở và khắc phục tình trạng khò khè mà trẻ đang gặp phải.
Lưu ý: Bố mẹ cần chú ý tuyệt đối không xoa bóp cột sống của trẻ. Ở giai đoạn này xương của các bé vẫn còn yếu. Việc xoa bóp cột sống sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ nhất là khi bố mẹ thực hiện không đúng kỹ thuật.
2. Những lưu ý khi chăm sóc trẻ thở khò khè
2.1. Luôn giữ ấm cho trẻ
Để ngăn ngừa tình trạng khò khè ở trẻ, bố mẹ phải luôn giữ ấm các bộ phận trên cơ thể con như: Tai, cổ, chân, bụng.
Khi mặc tã, quần áo cho bé, bố mẹ cần kiểm tra xem bàn tay của con có bị lạnh hay đổ mồ hôi không, lưng của con có đủ ấm không để có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Bố mẹ cần chú ý, nếu trẻ nằm trong phòng điều hòa tránh không để trẻ nằm trực tiếp dưới luồng gió điều hòa.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể sử dụng bình phun nước tạo độ ẩm để hạn chế việc trẻ gặp vấn đề về đường hô hấp.
2.2. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ
Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ và chống lại bệnh tật, trẻ nhỏ cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, bố mẹ hãy tăng số lần bú trong ngày của trẻ. Còn với những trẻ đã bắt đầu ăn dặm, bố mẹ nên bổ sung thêm các thực phẩm như: Rau, củ quả vào khẩu phần ăn của con.

2.3. Không tự ý cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh
Nguyên tắc chung khi sử dụng thuốc kháng sinh là phải phù hợp với bệnh lý, cơ địa, cân nặng và lứa tuổi của trẻ.
Việc tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm và long đờm để điều trị vấn đề khò khè cho trẻ rất nguy hiểm. Nó có thể khiến cho trẻ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng.
Vậy nên, trước khi có ý định dùng thuốc, bố mẹ cần phải tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ về loại thuốc nên dùng, liều lượng và cách sử dụng.
3. Khi nào cần cho trẻ đi khám sớm?
Trong quá trình chăm sóc, bố mẹ quan sát thấy trẻ có các biểu hiện sau thì cần đưa con đến gặp bác sĩ:
- Trẻ thở khò khè kèm theo các biểu hiện như: Mặt tái xanh, khó thở, nôn trớ.
- Trẻ có tiền sử bệnh hen suyễn và đột nhiên thở khò khè.
- Trẻ khò khè từ lâu, ăn uống kém và không tăng cân.
- Bố mẹ đã áp dụng các biện pháp chăm sóc trẻ đúng nhưng tình trạng khò khè của con không có dấu hiệu đỡ thậm chí là nặng dần lên.
- Trẻ thường xuyên quấy khóc, không vui vẻ và dễ cáu gắt, khó chịu.
Hiện tượng khò khè cần được sớm xử lý để con không bị khó chịu bố mẹ ạ. Chúc bố mẹ áp dụng thật đúng, thật hiệu quả những cách xử lý khi bé thở khò khè mà chúng tôi đã chia sẻ.